Bản tin MXV Năng lượng 22/01: Giá dầu diễn biến giằng co, kết thúc tuần tăng nhẹ
09:56 SA @ Thứ Hai - 22 Tháng Giêng, 2024

Giá dầu diễn biến tương đối giằng co trong tuần giao dịch 15 - 21/1 trước các thông tin cơ bản trái chiều. Một mặt, loạt dữ liệu kinh tế yếu của Trung Quốc đang làm tăng thêm mối lo ngại về nhu cầu tiêu thụ. Mặt khác, căng thẳng tại Trung Đông tiếp tục leo thang làm gia tăng rủi ro gián đoạn nguồn cung trong khu vực, hỗ trợ giá phục hồi. 

Chốt tuần, giá dầu WTI tăng 0,63% lên 73,25 USD/thùng. Dầu Brent tăng 0,34% lên 78,56 USD/thùng.

Giá dầu chịu nhiều sức ép trong các phiên đầu tuần khi khi thị trường phản ứng tiêu cực với loạt dữ liệu kinh tế yếu của Trung Quốc, làm tăng thêm mối lo ngại về triển vọng nhu cầu tiêu thụ ảm đạm. Theo Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý IV/2023 của nước này chỉ tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo. Trong khi đó, doanh số bán lẻ tháng 12/2023 tăng trưởng chậm lại, giá nhà ở tháng 12/2023 giảm mạnh nhất trong gần 9 năm.

Tuy nhiên, lực mua dần quay trở lại thị trường khi rủi ro địa chính trị tại Trung Đông tiếp tục leo thang, làm gia tăng tâm lý lo ngại nguồn cung gián đoạn trong khu vực. Mỹ đã tiến hành các chiến dịch quân sự nhằm vào lực lượng của Houthi và liệt nhóm phiến quân có trụ sở tại Yemen này vào danh sách các nhóm khủng bố. Đáng chú ý, hành động đáp trả của Pakistan đối với Iran đang báo động về sự bất ổn nghiêm trọng hơn trên khắp Trung Đông kể từ khi xung đột Israel - Hamas nổ ra vào ngày 7/10.

Trong khi đó, thời tiết lạnh khắc nghiệt và những thách thức trong vận hành vẫn đang làm gián đoạn khoảng 30% sản lượng dầu của North Dakota, bang sản xuất dầu lớn thứ ba của Mỹ. Cơ quan Quản lý Năng lượng North Dakota cho biết sản lượng dầu của bang có thể sẽ mất khoảng một tháng để phục hồi. Theo Bloomberg, sản lượng dầu trên khắp nước Mỹ đã bị cắt giảm khoảng 10 triệu thùng trong tuần này. Tổn thất tại lưu vực Permian của bang Texas và New Mexico ước tính vào khoảng 6 triệu thùng, trong khi khu vực Bakken của North Dakota ghi nhận con số gần 3,5 triệu thùng.

Báo cáo của hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho thấy số giàn khoan dầu của Mỹ, một chỉ báo về sản lượng tương lai, đã giảm 2 giàn xuống 497 giàn trong tuần kết thúc vào ngày 19/1. Ngoài ra, mới đây, Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) thông báo Mỹ đã mua 3,2 triệu thùng dầu cho đợt giao hàng vào tháng 4/2024 để bổ sung vào Kho Dự trữ Chiến lược (SPR).

Ở một diễn biến khác, giá khí tự nhiên lao dốc gần 24% xuống mức thấp nhất trong hai tuần do dự trữ giảm ít hơn dự kiến và dự báo nhu cầu giảm do thời tiết ấm hơn vào cuối tháng 1. Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết các công ty điện lực đã rút 154 tỷ feet khối (bcfd) khí đốt ra khỏi kho dự trữ trong tuần kết thúc vào ngày 12/1, thấp hơn mức giảm 164 bcf theo dự báo của Reuters. Trong khi đó, LSEG dự báo nhu cầu khí đốt của Mỹ, bao gồm cả xuất khẩu, sẽ giảm từ 154,1 bcfd trong tuần này xuống 139,9 bcfd vào tuần tới.

Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị

Áp lực bán gia tăng mạnh mẽ khi giá tiến về tiệm cận kháng cự tâm lý 75 USD, hình thành mẫu hình nến inverted hammer. Động lực tăng của giá cũng dần suy yếu khi RSI bắt đầu hướng xuống, trong khi hai đường %D và %K của Stoch RSI cũng có dấu hiệu cắt xuống từ vùng quá bán. Trên khung 4H, mẫu hình nến bearish engulfing hình thành, xác nhận tín hiệu đảo chiều giảm ngắn hạn. Trên khung 1H, lực bán áp đảo khi RSI và Stoch RSI duy trì hướng xuống với độ dốc lớn. Nhiều khả năng giá có thể tiếp tục đà giảm về vùng hỗ trợ tâm lý 72 – 72,5 USD. Mốc 72 USD vẫn đang đóng vai trò là vùng hỗ trợ tâm lý quan trọng. Việc phá vỡ ngưỡng giá này có thể mở ra mục tiêu thấp hơn tiếp theo cho giá tại vùng 70 – 70,5 USD.

Nguồn: