Bản tin MXV Năng lượng 19/10: Giá dầu cao nhất 2 tuần do căng thẳng Trung Đông và loạt yếu tố cung cầu
02:24 SA @ Thứ Năm - 19 Tháng Mười, 2023

Khép lại phiên giao dịch ngày 18/10, giá dầu tăng gần 2% lên mức cao nhất trong 2 tuần, khi tồn kho dầu Mỹ giảm mạnh hơn dự kiến trong tuần kết thúc ngày 13/10. Thêm vào đó, lo ngại nguồn cung toàn cầu gián đoạn sau khi Iran kêu gọi cấm vận dầu mỏ đối với Israel, cũng đã củng cố lực mua trên thị trường.

Giá dầu WTI chốt phiên tại 87,27 USD/thùng, tăng 2,14% so với phiên trước. Giá dầu Brent tăng 1,78% lên 91,50 USD/thùng.

Báo cáo hàng tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết tồn kho dầu thô thương mại Mỹ đã giảm 4,49 triệu thùng trong tuần trước xuống 419,7 triệu thùng. Trong khi đó, tồn kho xăng và sản phẩm chưng cất ghi nhận mức giảm mạnh lần lượt là 2,37 triệu thùng và 3,18 triệu thùng.

Xuất khẩu tích cực và nhu cầu mạnh mẽ của các nhà máy lọc dầu đã kéo tồn kho giảm, hỗ trợ giá dầu trong phiên. Cụ thể, xuất khẩu dầu thô của Mỹ trong tuần trước tăng 2,23 triệu thùng/ngày lên 5,30 triệu thùng/ngày. Thông lượng lọc dầu của các nhà máy tại Mỹ tăng 193.000 thùng/ngày lên 15,40 triệu thùng/ngày. Ngoài ra, tổng sản phẩm cung cấp, thước đo cho nhu cầu, cũng đã tăng 2,23 triệu thùng/ngày, đạt trung bình 21,90 triệu thùng/ngày.

Đáng chú ý, tồn kho dầu Mỹ tại trung tâm lưu trữ Cushing, Oklahoma, điểm phân phối dầu kỳ hạn của Mỹ, đã giảm 0,8 triệu thùng xuống 21 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2014. Điều này làm dấy lên lo ngại về việc vi phạm mức hoạt động tối thiểu.

Giá dầu đã tăng lên mức cao nhất trong phiên sau khi Ngoại trưởng Iran, Hossein Amirabdollahian, kêu gọi cấm vận dầu mỏ đối với Israel. Động thái này diễn ra sau vụ nổ lớn tại bệnh viện Al-Ahli al-Arabi ở thành phố Gaza khiến hàng trăm người thiệt mạng. Tuy nhiên, theo Reuters, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) không có kế hoạch tổ chức một cuộc họp bất thường hoặc thực hiện bất kỳ hành động ngay lập tức nào đối với lời kêu gọi của Iran.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Jordan, Ayman Safadi, cho biết quốc gia này đã hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Biden cùng với các nhà lãnh đạo của Ai Cập và Palestine, vốn dự kiến tổ chức tại Amman ngày 18/10. Điều này có thể làm giảm khả năng đạt được giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột giữa Israel và Hamas.

Một vài hạn chế từ nguồn cung dầu Nga cũng đã hỗ trợ cho giá trong phiên. Reuters cho biết xuất khẩu dầu thô Urals, Siberian light và KEBCO của Nga qua các cảng biển quan trọng trong tháng 11 có thể giảm khoảng 300.000 thùng/ngày xuống mức 2 triệu thùng/ngày, do các nhà máy lọc dầu trong nước dự kiến tăng công suất khi giai đoạn bảo trì theo mùa kết thúc.

Về phía nhu cầu, theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia (NBS), thông lượng lọc dầu của Trung Quốc trong tháng 9 đã tăng 12% so với năm trước lên 63,62 triệu tấn, tương đương 15,48 triệu thùng/ngày. Nguyên nhân là do các nhà máy lọc dầu tăng công suất hoạt động để đáp ứng nhu cầu nhiên liệu vận tải cao trong giai đoạn du lịch Tuần lễ Vàng bắt đầu vào cuối tháng 9.

Loạt dữ liệu kinh tế tích cực hơn dự kiến của Trung Quốc cũng đã củng cố triển vọng tiêu thụ dầu. Cụ thể, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong quý III/2023 tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với dự báo tăng 4,4%. Trong khi đó, sản lượng công nghiệp trong tháng 9 tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với mức tăng 4,3% theo dự báo của giới phân tích.

Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị

Về mặt kỹ thuật giá dầu, khung 1D, giá dầu bật tăng trở lại từ vùng hỗ trợ 85 - 85,5 USD sau 2 phiên giằng co trước đó. Giá đang phản ứng tại đường trendline tăng trung hạn và được hỗ trợ bởi Fibo 0,236 và MA20. Tuy nhiên, áp lực bán đã bắt đầu gia tăng khi giá tiệm cận kháng cự 88 - 88,5 USD, khiến đà tăng của giá bị thu hẹp về cuối phiên. Vùng giá 88 - 88,5 USD vẫn đang là ngưỡng kháng cự quan trọng đối với giá. Nếu vượt qua mốc này, giá dầu có thể tăng lên lại đỉnh cũ 92 USD.

Trên khung 4H, xu hướng tăng đã được xác nhận sau khi giá liên tục tạo mẫu hình đỉnh sau cao hơn đỉnh trước, đáy sau cao hơn đáy trước. Tuy nhiên, đà tăng của giá có dấu hiệu chững lại khi giá tích lũy đi ngang nhiều phiên liên tiếp tại vùng giá 86,5 - 87 USD. Nhiều khả năng giá dầu có thể sẽ duy trì xu hướng tăng khi căng thẳng tại Trung Đông vẫn chưa hạ nhiệt. Nhà đầu tư có thể mở vị thế chờ mua khi giá điều chỉnh giảm về 85,5 – 86 USD, với kỳ vọng chốt lời tại 88 – 88,5 USD. Cắt lỗ nếu giá giảm quá 84,5 USD.

Nguồn: