Bản tin MXV Năng lượng 15/03: Giá dầu đóng cửa mức thấp nhất trong hơn 3 tháng trước sức ép vĩ mô vào báo cáo OPEC không mang tính hỗ trợ
01:48 SA @ Thứ Tư - 15 Tháng Ba, 2023

Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/03, thị trường năng lượng chứng kiến phiên lao dốc mạnh mẽ của cả 2 loại mặt hàng dầu thô WTI và Brent với mức giảm lần lượt là 4.64% xuống 71,33 USD/thùng và 4,11% xuống 77,45 USD/thùng. Lo ngại về lạm phát cố hữu buộc chính sách thắt chặt tiền tệ vẫn sẽ tiếp tục được thực hiện, trong bối cảnh rủi ro tài chính kinh tế gia tăng đã kéo giá dầu ghi nhận phiên giảm trong ngày mạnh nhất kể từ ngày 4/1 hồi đầu năm, đẩy giá dầu đóng cửa mức thấp nhất trong vòng hơn 3 tháng.

Lực bán xuất hiện ngay từ đầu phiên giao dịch khi những rủi ro từ sự sụp đổ của Ngân hàng SVB từ trước đó và hệ thống ngân hàng liên đới khác có thể gặp bất lợi, tiếp tục đè nặng lên tâm lý thị trường, và thúc đẩy áp lực bán đối với dầu thô. Lo ngại suy thoái kinh tế làm suy yếu nhu cầu, trong khi nguồn cung được đảm bảo, ít nhất là trong ngắn hạn khiến giá dầu gặp bất lợi. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết sản lượng dầu đá phiến của Mỹ trong tháng 04/2023 được dự báo sẽ tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 12/2019, tương đương với mức tăng 68.000 thùng/ngày lên 9,21 triệu thùng/ngày.

Tâm điểm của thị trường vẫn hướng về dữ liệu lạm phát của Mỹ trong tháng 2 vừa qua. Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng đúng theo dự đoán ở mức 6% so với cùng kỳ năm ngoái, hạ nhiệt từ mức 6,4% trong tháng trước, và giá dầu đã nhận lực mua tích cực hơn ngay sau báo cáo. Tuy nhiên, đà tăng không duy trì được lâu, khi lạm phát lõi vẫn tăng mạnh hơn 0,1 điểm phần trăm so với tháng trước, tương đương mức tăng 0,5% so với tháng 1. Điều này làm dấy lên lo ngại về việc Fed tiếp tục thắt chặt tiền tệ, với tỷ lệ cho rằng 25 điểm cơ bản được bổ sung trong kỳ họp sắp tới chiếm ưu thế. Lo ngại chi phí vay tiếp tục tăng, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều sức ép như hiện tại đã thúc đẩy lực bán trên thị trường dầu.

Trong khi đó, báo cáo từ nhóm OPEC không mang tính hỗ trợ cho thị trường. Dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới năm 2023 nhìn chung không thay đổi so với đánh giá của tháng trước ở mức 2,3 triệu thùng/ngày, đưa mức tiêu thụ trung bình trong năm đạt 101,9 triệu thùng/ngày. OPEC dự kiến nhu cầu dầu của Trung Quốc sẽ tăng 710.000 thùng/ngày vào năm 2023, tăng so với dự báo 590.000 thùng/ngày của tháng trước. Tuy nhiên, sự sụt giảm trong nhu cầu tại khu vực các nước phát triển OECD châu Mỹ và châu Âu đã hạn chế các tác động tích cực đối với bức tranh tiêu thụ toàn cầu.

Về nguồn cung, tăng trưởng nguồn cung ngoài OPEC vào năm 2023 được dự báo sẽ tăng 1,4 triệu thùng/ngày lên mức trung bình 67,2 triệu thùng/ngày, không thay đổi so với tháng trước. Nhóm OPEC đã tăng mạnh ước tính nguồn cung trong quý I từ Nga bất chấp các lệnh trừng phạt khi sản xuất tiếp tục ổn định, dự kiến Nga sẽ bơm 10,9 triệu thùng mỗi ngày trong quý này, nhiều hơn khoảng 620,000 thùng mỗi ngày so với ước tính trong báo cáo tháng trước.

Trong khi đó, sản lượng dầu thô của OPEC-13 đạt trung bình 28,924 triệu thùng/ngày trong tháng 2/2023, cao hơn 117.000 thùng/ngày hàng tháng, nhờ sự phục hồi hơn nữa tại Nigeria. Báo cáo cũng cắt giảm ước tính về lượng dầu thô mà OPEC cần bơm vào năm 2023 để cân bằng thị trường, thêm 200.000 thùng/ngày so với báo cáo trước xuống còn 29,3 triệu thùng/ngày, cho thấy góc nhìn nguồn cung có xu hướng dồi dào hơn so với nhu cầu. Các thông tin trên đã góp phần đẩy giá dầu về vùng thấp nhất trong vòng hơn 3 tháng qua.

Trước loạt thông tin tiêu cực gây sức ép tới giá dầu, mới đây, Bộ trưởng năng lượng của Saudi Arabia nói với Energy Intelligence trong một cuộc phỏng vấn rằng liên minh OPEC+ sẽ tuân thủ các thỏa thuận cắt giảm sản lượng vào tháng 10 cho đến cuối năm nay. Ông cũng cho biết dự luật NOPEC (chống sự độc quyền) do Thượng viện Mỹ đề xuất là một khái niệm khác với các mức trần giá các nước phương Tây áp đặt đối với Moscow, nhưng chúng có tác động tiềm tàng tương tự đối với thị trường dầu mỏ. Đồng thời, ông khẳng định nếu áp đặt trần giá đối với xuất khẩu dầu của Saudi, nước này sẽ không bán dầu cho bất kỳ quốc gia nào áp đặt trần giá đó và sẽ giảm sản lượng dầu.

Ngoài ra, rạng sáng nay, báo cáo từ Viện dầu khí Mỹ (API) cho thấy mặc dù tồn kho dầu thương mại Mỹ tăng 1,2 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 10/03 nhưng tồn kho xăng và nhiên liệu chứng cất giảm mạnh lần lượt là 2,9 triệu thùng và 4,6 triệu thùng, sẽ có thể hỗ trợ cho giá dầu phục hồi trở lại trong phiên sáng.

Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị

Mặc dù giá giảm mạnh trong phiên hôm qua nhưng khối lượng giao dịch thấp hơn phiên trước đó, cho thấy lực bán có phần suy yếu nhẹ. Hiện tại, giá chạm sát cạnh dưới dải Bollinger Band, bật lên từ hỗ trợ 71 USD/thùng. RSI khung Daily và H4 đều đang ở vùng quá bán, và do đó các tín hiệu kỹ thuật cho thấy giá dầu có thể sẽ phục hồi trong phiên hôm nay. Các nhà đầu tư có thể mở mua tại 71,8 USD với kỳ vọng chốt lời ở vùng 73 – 73,5 USD.

Nguồn: