Bản tin MXV Năng lượng 13/01: Giá dầu biến động giằng co, kết thúc tuần giảm nhẹ
08:52 SA @ Thứ Hai - 15 Tháng Giêng, 2024

Giá dầu thô liên tục biến động tăng giảm xen kẽ trong tuần giao dịch 8/1 – 14/1 trước các thông tin trái chiều. Một mặt, sức nóng tại khu vực Biển Đỏ làm gia tăng lo ngại nguồn cung, đã hỗ trợ giá tăng. Mặt khác, nhu cầu hạn chế cũng đè nặng lên giá. Giá dầu WTI chốt tuần giảm 1,53% xuống 72,68 USD/thùng. Dầu Brent giảm 0,6% xuống 78,29 USD/thùng.

A screenshot of a screenDescription automatically generated

Vào thứ Năm tuần qua, hải quân Iran đã bắt giữ một tàu chở dầu ở Vịnh Ô-man, nơi từng là trung tâm của cuộc khủng hoảng lớn giữa Tehran và Washington. Căng thẳng càng leo thang hơn nữa khi Mỹ và Anh đã tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu của Houthi ở Yemen. Đây là cuộc tấn công đầu tiên chống lại lực lượng này kể từ khi nhóm này bắt đầu nhắm mục tiêu vào việc vận chuyển quốc tế ở Yemen.

Tổng số tàu chở dầu chở các sản phẩm dầu mỏ sạch, xăng, dầu diesel và nhiên liệu máy bay, qua eo biển Bab el-Mandeb ở cuối phía nam Biển Đỏ đã giảm 47% trong tuần tính đến ngày 7/1 so với khoảng một tháng trước đó. Sự gián đoạn vận chuyển đã hỗ trợ giá dầu trong tuần qua, với dầu WTI có thời điểm chạm mốc 75 USD/thùng.

Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ trên thế giới vẫn còn hạn chế đã lấn át phần lớn lo ngại nguồn cung, khiến giá dầu đóng cửa tuần trong sắc đỏ. Nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới Saudi Arabia tiếp tục giảm mạnh giá bán dầu Arab Light kỳ hạn tháng 2/2024 xuất khẩu sang châu Á. Điều đó đã kéo dầu thô đánh mất hơn 3% giá trị ngay từ phiên đầu tuần.

A graph with a line and a world mapDescription automatically generated with medium confidence

Đáng chú ý, báo cáo của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất của quốc gia này ghi nhận mức tăng mạnh lần lượt là 8 triệu thùng và 6,5 triệu thùng, cao hơn nhiều so với dự báo của giới phân tích. Trong đó, tồn kho nhiên liệu chưng cất bao gồm dầu diesel và dầu sưởi đã chạm mức cao nhất kể từ tháng 9/2021. Việc tồn kho sản phẩm dầu của Mỹ liên tục tăng mạnh trong những tuần gần đây phản ánh nhu cầu suy yếu tại quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.

Mike Muller, người đứng đầu khu vực châu Á của tập đoàn thương mại khổng lồ Vitol Group dự đoán thị trường dầu sẽ tương đối cân bằng trong năm nay. Ông cho rằng tăng trưởng nhu cầu khó có thể theo kịp nguồn cung mới từ bên ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+), chẳng hạn như Mỹ, Guyana, Venezuela và Brazil.

Ở một diễn biến khác, giá khí tăng vọt trên 14% trong tuần qua khi sản lượng khí đốt tự nhiên sơ bộ của Mỹ giảm xuống mức thấp 11 tháng vào Chủ nhật do thời tiết lạnh giá đóng băng các giếng trên khắp đất nước, trong khi nhu cầu khí đốt để sưởi ấm và sản xuất điện đang trên đà đạt mức cao kỷ lục.

Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị

Nến liên tục rút chân tại vùng giá 74 USD, cũng là bị chặn ở đường SMA200 khung H4 và cạnh trên của kênh giảm lớn. Nhưng giá cũng đang được hỗ trợ bởi đường xu hướng tăng ngắn, nên góc nhìn trung hạn, chúng tôi kỳ vọng giá sẽ bứt phá đi lên để hoàn thành sóng C sau khi hoàn thiện 5 sóng giảm Elliot.

Về giao dịch trong ngày, giá có dấu hiệu phân kỳ tăng giá trên cả khung H4 và H1. Nến rút chân ở vùng 72 USD. Dự báo giá có thể lấy lại nhịp tăng lên vùng 73,5 USD trong ngày hôm nay. Nhà đầu tư có thể mở mua ở vùng 72 – 72,3 USD với kỳ vọng chốt lời 73,5 USD. Cắt lỗ tại 71,2 USD.


Nguồn: